Sự đa dạng về tài nguyên thực vật ở vùng đất thép Củ Chi – Tp. Hồ Chí Minh
Củ Chi là huyện ngoại thành nằm về phía Tây Bắc của Tp. Hồ Chí Minh, trên một vị trí chuyển tiếp từ vùng đất cao của núi rừng miền đông Nam Bộ xuống vùng đất thấp của đồng bằng sông Cửu Long, có đường giao thông giao lưu với các tỉnh miền đông và tây Nam Bộ. Củ Chi được mệnh danh là vùng đất thép thành đồng với hệ thống địa đạo có tổng chiều dài hơn 200 km, đây là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa của nhân dân Sài Gòn – Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc và đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới.
Trải qua hơn 30 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, mặc dù dưới áp lực của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cùng với sự gia tăng dân số đã làm cho nguồn tài nguyên thiên nhiên của Tp. Hồ Chí Minh suy giảm nghiêm trọng, các hệ sinh thái rừng nguyên sinh được thay thế bởi các khu đô thị mới, khu thương mại và dịch vụ giải trí. Tuy nhiên, cây cỏ hoang dại có ích ở vùng đất Củ Chi vẫn còn phong phú và đa dạng, và là nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương mà chủ yếu là các loài cây làm thuốc, cây thực phẩm và cây làm cảnh. Vì vậy, nơi đây không chỉ là một địa danh thăm quan du lịch nổi tiếng mà còn trở thành địa điểm cho các buổi thực tập dã ngoại về sinh học môi trường của học sinh, sinh viên.
Từ năm 2006 đến nay, Viện Sinh học Nhiệt đới (ITB) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã tiến hành nhiều đợt khảo cứu, điều tra nhằm thu thập mẫu tiêu bản bổ sung cho Bảo tàng thực vật ITB cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên thực vật cho vùng đất Củ Chi nói riêng và cả thành phố nói chung. Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận ở Củ Chi có hơn 300 loài thuộc 198 chi của 90 họ thực vật bậc cao có mạch có giá trị sử dụng, trong đó có đến 176 loài cây có giá trị dược liệu, và đặc biệt hơn ở đây có đến 11 loài có giá trị bảo tồn là sao đen (Hopea odorata), dầu trà ben (Dipterocarpus obtusifolius), dầu rái (Dipterocarpus alatus), sến mủ (Shorea roxburghii), dầu song nàng (Dipterocarpus dyeri), thành ngạnh đẹp (Cratoxylum cochinchinensis), thành ngạnh nam (Cratoxylon formosum), xây (Dialium cochinchinense), gõ mật (Sindora siamensis), mù u (Calophyllum inophyllum) và kơ nia (Irvingia malayana) theo thang đánh giá của Sách đỏ Việt Nam (2007) và Sách đỏ thế giới (IUCN, 2013). Từ các kết quả thu được Viện Sinh học Nhiệt đới (ITB) đã công bố nhiều bài báo trên các tạp chí và hội nghị chuyên ngành có uy tín, và năm 2013 với sự tài trợ của Sở Khoa học và Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh, cán bộ nghiên cứu của ITB đã xuất bản cuốn sách chuyên khảo “Cẩm nang các loài cây có ích ở Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh”.
Các kết quả của công trình nghiên cứu cơ bản này rất có ý nghĩa, không chỉ với Củ Chi, mà còn có ý nghĩa cho cả Tp. Hồ Chí Minh và các vùng lân cận. Với việc khảo cứu, thu mẫu tiêu bản, xác định tên các loài cây cỏ có ích, sẽ giúp người dân ở đây có thêm kiến thức về giá trị của chúng trong đời sống hằng ngày, đồng thời tạo cho họ có thêm lòng yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ đa dạng sinh học, và góp phần cảnh báo các nhà quản lý, nhà quy hoạch trong việc mở rộng vùng đô thị dân cư, khu thương mại và dịch vụ của thành phố.
Hình ảnh một số loài thực vật có giá trị ở Củ Chi:
Gõ mật – Sindora siamensis Miq (Fabaceae)
Chùm ngây – Moringa oleifera Lam. (Moringaceae)
Dầu song nàng – Dipterocarpus dyeri Pierre ex Laness (Dipterocarpaceae)
Thiết đinh lá bẹ – Markhamia stipulata Pierre (Bignoniaceae)
Sao đen – Hopea odorata Roxb. (Dipterocarpaceae)
Kơ nia – Irvingia malayana Oliv. ex A.W. Benn. (Irvingiaceae)
Các bài viết liên quan:
- Công nghệ vi nhân giống quang tự dưỡng để nâng cao chất lượng cây giống cấy mô
- Bulbophyllum thydoii một loài mới cho Khoa học ở KBTTN Hòn Bà
- Quy trình nhân giống in vitro cây chuối Trà bột
- Phát hiện một giống và loài cua nước ngọt mới thuộc họ Potamidae cho khoa học ở tỉnh Bình Thuận
- Phát hiện 1 loài thực vật mới thuộc họ Râu hùm (Taccaceae) từ Hòn Bà, Khánh Hòa
- Phát hiện 3 loài thực vật mới ở vùng Tây Nguyên
- Hoạt động hợp tác quốc tế tháng 8-2008
- 40 loài thực vật mới thuộc chi Xú hương (Lasianthus Jack) được phát hiện từ Việt Nam