PHÒNG CÔNG NGHỆ GEN THỰC VẬT

PHÒNG CÔNG NGHỆ GEN THỰC VẬT
Địa chỉ liên hệ: 9/621 Xa lộ Hà Nội, P. Linh Trung, Q. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 84-8-38978796
E-mail: geneng@hcm.vnn.vn ; geneng@itb.ac.vn

Chức năng

Hướng nghiên cứu Công nghệ gen thực vật Viện Sinh học Nhiệt đới được phác hoạ xây dựng từ đã lâu, sau đó nhiệm vụ của nó được xác định rõ nét hơn cách đây khoảng 10 năm. Theo Quyết định phê duyệt của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam về Đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Viện Sinh học Nhiệt đới theo quy định tại Nghị định 115/2005/NĐ-CP, chức năng của hướng nghiên cứu Công nghệ gen thực vật không nằm ngoài chức năng của Viện Sinh học Nhiệt đới là nghiên cứu cơ bản, ứng dụng và phát triển công nghệ thuộc các lĩnh vực khoa học như sinh lý, hoá sinh, công nghệ sinh học… Đây là các mặt hoạt động cơ bản nhằm thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước giao cho hướng nghiên cứu này thông qua Viện.
Trong thời gian vừa qua, các cán bộ trong hướng nghiên cứu chung của Viện Sinh học Nhiệt đới trong đó có hướng nghiên cứu Công nghệ gen thực vật đã có nhiều cố gắng bám sát Quyết định của Thủ tướng về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhằm đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020” nhằm đề ra phương hướng và nhiệm vụ trong tình hình mới.
Mấy năm gần đây, Viện Sinh học Nhiệt đới được Nhà nước giao nhiệm vụ xây dựng Phòng thí nghiệm trọng điểm ở phía Nam về Công nghệ tế bào thực vật với kinh phí lớn hàng chục tỷ đồng dùng nâng cấp kết cấu hạ tầng và đầu tư mua sắm trang thiết bị dùng nghiên cứu; qua đó, có thể nói hiện nay tiềm lực khoa học công nghệ Viện xét ở khía cạnh cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học là khá đầy đủ, hiện đại và cũng qua đó chất lượng nghiên cứu chung ở Viện cũng như của hướng nghiên cứu Công nghệ gen thực vật cũng được tăng lên.
Vài năm sau thời điểm thành lập hướng nghiên cứu Công nghệ gen thực vật, các đề tài thực hiện chủ yếu là nghiên cứu chuyển nạp một số gen chọn lọc (selectable marker gene), gen chỉ thị (reporter gene) như gen kháng kanamycin nptII, gen kháng hygromycin hph, gen gusA, trên cơ sở sử dụng ngay các vật liệu di truyền nhận được qua quan hệ đối tác, vào đối tượng cây trồng mô hình có đáp ứng cao trong nuôi cấy mô và chuyển gen là cây thuốc lá. Sau này, khi tiềm lực khoa học công nghệ (cả về con người và trang thiết bị) được nâng cao, các cán bộ nghiên cứu của hướng đã dần nắm bắt được công nghệ, chủ động triển khai nghiên cứu tạo các vector mang gen riêng cho mình để nghiên cứu và chuyển nạp trên một số đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế như lúa, các loài cây họ cảI, phong lan…

Nhiệm vụ chung

Trên cơ sở chức năng nêu trên, hướng nghiên cứu Công nghệ gen thực vật đã xây dựng các nhiệm vụ sau đây nhằm thực hiện nhiệm vụ chung ở Viện:
– Hướng đến phân lập một số gen có ý nghĩa khoa học và thực tiễn để chuyển vào cây trồng.
– Nghiên cứu sử dụng công nghệ chuyển nạp gen (vào nhân và lục lạp tế bào) để tạo giống cây trồng chuyển nạp gen qua đó là nghiên cứu sự thâm nhập và biểu hiện của gen chuyển. Nhiệm vụ này là nhiệm vụ cơ bản và xuyên suốt trong thời gian vừa qua.
– Sử dụng chỉ thị DNA (DNA marker) trong nghiên cứu sự đa dạng di truyền, sự tương quan di truyền ở một số giống cây trồng.
– Ứng dụng, triển khai công nghệ và thực hiện dịch vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực của mình.
– Góp phần với Viện đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong phạm vi có thể.
– Quản lý cán bộ, tài chính của Viện.