PHÒNG CÔNG NGHỆ BIẾN ĐỔI SINH HỌC

1. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA PHÒNG

+ Công nghệ biến đổi sinh học.

+ Công nghệ sinh học môi trường.

+ Công nghệ sinh học thực phẩm.

2. PHƯƠNG THỨC

Phương thức hoạt động phòng thí nghiệm: Mở, liên kết.

3. CÁC ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU

a. Hướng công nghệ sinh học thực phẩm

* Nghiên cứu sản xuất IMO (iso-maltooligosaccharide) và polydextrose từ tinh bột sắn (đề tài cấp Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; đề tài mới cấp sở KHCN TP. Hồ Chí Minh năm 2007-2009).

– Từ những năm 1980, người ta đã rất quan tâm tới IMO như một loại đường chức năng ít calori, chỉ số GI thấp và sử dụng chúng trong các loại thực phẩm ăn kiêng.

– Polydextrose được FDI công nhận là một chất xơ thực phẩm (dietary fiber). Các nghiên cứu lâm sàng đã khẳng định vai trò quan trọng của chúng trong việc cải thiện nhu động ruột và tăng cường sức khỏe của hệ tiêu hóa. Polydextrose không bị phân hủy ở dạ dày và ruột non, có khả năng bị lên men chậm ở ruột kết và vì thế chúng đóng vai trò prebiotic, hỗ trợ cho sự phát triển của hệ vi sinh vật có ích ở đường ruột (làm tăng số lượng vi khuẩn Bifidobacteria và Lactobacilli), hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại, giảm lipid và cholesterol trong máu, giảm chỉ số đường huyết (chỉ số GI), tạo các enzyme tiêu hóa và vitamin (đặc biệt là vitamin nhóm B), tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch và giảm nguy cơ ung thư ruột kết.

Mục đích của hướng nghiên cứu này là thu nhận Polydextrose và các đường isomalto-oligosaccharide từ dịch tinh bột sắn thủy phân nhằm tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao từ tinh bột sắn, tạo ra một loại phụ gia chức năng góp phần phát triển các sản phẩm thực phẩm chức năng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và xã hội

* Hướng: “Sản xuất một số sản phẩm mới từ đậu nành và thương phẩm hóa sản phẩm”

Kết quả đã đạt được: phát triển 2 sản phẩm mới là phomai đậu nành và mì ăn liền (MĂL) từ đậu nành.

– Xây dựng được qui trình kỹ thuật chế biến pho mai đậu nành ở qui mô phòng thí nghiệm bằng một số giống vi khuẩn như: Lactococcus lactis (nguồn từ Trường Đại học KHTN); vi khuẩn Propionic (phân lập từ pho mai thương phẩm Edam, Emmental).

– Các giống vi khuẩn nói trên được dùng đơn giống hoặc phối hợp 2 giống với nhau, các mẫu pho mai được tạo thành sau 2 – 4 ngày lên men. Cơ chất được thủy phân đến độ mềm nhuyễn đạt yêu cầu.

– Đã xác định được 2 chất làm dai đậu hũ là K2CO3 và NaHCO3 với các nồng độ tương ứng là 2,5% và 3%. Đã dùng BHT với hàm lượng 1/5.000 để chống oxy hóa cho MĂL từ đậu nành. Đã sấy khô MĂL đạt độ khô yêu cầu với thời gian là 6 giờ 30 phút bằng thiết bị tự lắp ráp trong phòng thí nghiệm.

Dự kiến phát triển: sản xuất thử ở quy mô pilot, hợp tác với công ty VinaAcecook triển khai sản phẩm mới và thương mại hóa thành công sản phẩm.

 b. Hướng Công nghệ biến đổi sinh học

Nghiên cứu sản xuất, ứng dụng các chất có hoạt tính sinh học (các loại phân bón lá) vào các lĩnh vực nông lâm nghiệp. Nhiều sản phẩm của phòng đã được khảo sát trên diện rộng, thử nghiệm thành công và được đưa vào danh mục chính thức cho phép lưu hành của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Hướng phát triển: nghiên cứu các chế phẩm sinh học đề phòng và chống bệnh khô và đạo ôn của lúa, là chế phẩm sinh học an toàn cho người và sạch cho môi trường.

 c. Lĩnh vực Công nghệ sinh học môi trường

– Đã xây dựng được hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt, phế phẩm nông nghiệp qui mô 1 tấn/ngày, có thu gom khí biogaz, nén và khử khí tạp để khí Biogaz có nồng độ CH4 đạt trên 90%.

– Ngoài các nghiên cứu cơ bản, hướng CNSH môi trường đã triển khai ứng dụng công nghệ xử lý nước thải chăn nuôi heo cho các trại chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như Xí nghiệp chăn nuôi heo Đông Á, Phước Long, Gò Sao…và trên một số địa bàn khác trong cả nước, phục vụ công tác di dời giải toả.

d. Các hướng nghiên cứu đang và sẽ tiếp tục có triển vọng

Nghiên cứu những vấn đề khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học – môi trường.

Phối hợp với các cơ quan sản xuất trong nước – nước ngoài tổ chức triển khai, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào đời sống, thực hiện chuyển giao công nghệ.

Tham gia đào tạo các sinh viên nghiên cứu khoa học công nghệ sinh học – môi trường.

Tổ chức triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tư vấn lắp đặt thiết bị xử lý môi trường.