Hướng Công nghệ Vi sinh
– Nhiều nghiên cứu đã tập trung vào việc chuyển gen vào vi sinh vật. Viện cũng thành công trong việc chuyển gen Bt vào vi nấm Trichoderma nhờ vi khuẩn Agrobacterium. Ngoài ra, Viện cũng thực hiện nhiều nghiên cứu về sử dụng vi sinh vật trong sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ công nghiệp thực phẩm, xử lý môi trường, nuôi trồng thuỷ sản…
– Nhiều chế phẩm chứa các enzym phân hủy các chất hữu cơ ở đáy ao, ức chế các vi sinh vật gây bệnh, điều hoà pH và cải thiện chất lượng nước ao nuôi giúp quản lý bệnh tôm và nuôi trồng thủy hải sản bền vững đã được nghiên cứu phát triển.
– Trong nhiều năm, Viện Sinh học nhiệt đới đã nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nền sản xuất enzym a-amylase và protease từ vi khuẩn Bacillussubtilis bằng phương pháp lên men bán rắn. Sản phẩm có hoạt lực enzyma-amylase 4.000 UI/g, protease 400 UI/g đã được sản xuất tại Pilot Công nghệ Vi sinh với quy mô 1 tấn/tháng. Sản phẩm enzym đã được cung cấp cho các nhà máy sản xuất bia qui mô nhỏ, các Công ty sản xuất thức ăn gia súc, sản xuất thuốc thú y và nuôi trồng thủy sản tại khu vực phía nam. Công trình nghiên cứu này đã đoạt giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh năm 1997.
– Viện cũng đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất rượu vang từ trái sơ ri, chuyển giao quy trình công nghệ và thiết bị cho Trung tâm ứng dụng và chuyển giao Khoa học Công nghệ tỉnh Tiền Giang, chuyển giao quy trình công nghệ cho Cơ sở sản xuất rượu vang tại Bến Tre với công suất 100 lít rượu/ngày. Công trình đã đoạt giải III Hội thi sáng tạo Khoa học Kỹ thuật toàn quốc năm 2001. Quy trình công nghệ sản xuất thạch dừa từ nước dừa già cũng đã được chuyển giao cho các cơ sở sản xuất thạch dừa tại Bến Tre, Bình Định, quy trình sản xuất nước tương vi sinh từ đậu nành bằng nấm mốc Aspergillus oryzae được chuyển giao cho Xí nghiệp nước chấm Nam Dương năm 2001và cho công ty Ajinomoto Việt Nam năm 2004.
– Viện cũng chủ trì đề tài nghiên cứu sản xuất chế phẩm BIOF dùng trong phòng trị nấm hại cây trồng và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ các nguồn nguyên liệu phân chuồng, than bùn, rác thải hữu cơ, mùn mía, vỏ cà phê, bùn đáy ao nuôi tôm… đạt giải III Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh Bình Dương năm 2004.