Cập nhật lúc: 6/06/13 6:47 AM

Hướng Công nghệ sinh học thực vật

– Trong lĩnh vực công nghệ tế bào thực vật, các cán bộ của Viện đã đạt được nhiều kết quả trong nghiên cứu nhân giống bằng phương pháp cấy mô và triển khai trồng 3 ha cây Paulownia tại Bình Dương, khảo sát thời điểm xuống giống đạt hiệu quả và có quy trình trồng, chăm sóc Paulownia. Cây cấy mô Paulownia đã được trồng thử nghiệm tại Nông trường Hữu Lũng, Lạng Sơn gần 20ha, tại Bình dương 3ha và phát triển tốt. Một số nghiên cứu đã khảo sát tập đoàn giống cây điều ở Trung tâm Hưng Lộc và thu thập được 4 giống đã chọn lọc đưa về vườn ươm Thủ Đức, đưa mẫu cây ngoài vườn vào ống nghiệm, nghiên cứu quy trình công nghệ nhân giống in vitro cây điều bằng phương pháp quang tự dưỡng.

– Các nghiên cứu về công nghệ gen thực vật đã tạo được 2 plasmid mang tên Viện là ITB 1 và ITB 2, đã tạo được cây lúa, rau cải, thuốc lá chuyển gen Bt, gen kháng sâu, thuốc diệt cỏ và đang chuyển gen vào cây thân gỗ. Viện cũng tạo được một số dòng lúa đặc sản của nước ta như Nàng Thơm Chợ Đào, Một Bụi, Tài Nguyên mang gen kháng sâu đơn lẻcryIA(b)cryIA(c) hoặc gen kháng sâu phối hợp cryIA(b)+cryIA(c), cryIA(b)cryIB bằng phương pháp bắn gen, hay dòng lúa Nàng Thơm Chợ Đào, Một Bụi mang gen kháng thuốc trừ cỏ bar bằng vi khuẩnAgrobacterium tumefaciens và nghiên cứu sự di truyền của các gen này đến thế hệ thứ hai. Các đề tài nghiên cứu cũng tạo được một số dòng cải xanh, cải ngọt, cà chua, cà tím, một số dòng cây Hông (Paulownia fortunei) và thuốc lá sợi vàng K.326, Coker 176 mang gen kháng sâucryIA(c), cryIA(b) hoặc/và gen kháng thuốc trừ cỏ bar, gen VrCRP (tạo chất ức chế chứa cystein) kháng sâu, gen ipt làm tăng năng suất, gen glyIliên quan đến tính chịu mặn, gen HbsAg mã hoá protein virus viêm gan B cũng như tạo được một số dòng khoai tây mang gen marker aadAgfp.

– Lĩnh vực công nghệ gen thực vật cũng tập trung nghiên cứu sự biểu hiện của gen qua sử dụng một số promoter như làm tăng sự biểu hiện của gen chuyển nhờ dùng promoter T7 của bacteriophage, dùng một số loại promoter khác nhau nhằm tạo sự biểu hiện ở tất cả các loại mô hoặc ở mô đặc thù như Promoter CaMV35S (tạo sự biểu hiện ở tất cả các loại mô), promoter rbcS (tạo sự biểu hiện ở mô xanh, không biểu hiện ở mô mạch), promoter kin1, cor6 (tạo sự biểu hiện ở thân, rễ, tế bào khổng, mô sinh sản), promoter pal1, pal1D (tạo sự biểu hiện ở mô mạch).

– Một trong những kết quả quan trọng của Viện trong lĩnh vực Công nghệ tế bào thực vật là hoàn chỉnh công nghệ nhân nhanh, phục tráng giống, làm sạch virus đối với các cây trồng nông lâm nghiệp có giá trị từ Phòng thí nghiệm đến đồng ruộng như cây khoai lang, khoai mỡ, cây măng cụt, mắc mát Passiflora, chanh không hạt, cây sung Mỹ, cây hồ tiêu và cây điều, Paulownia, tre Bát độ, dó bàu, neem (xoan chịu hạn), tre Mạnh tông và tre Tàu, cây lõi thọ, keo lai, lát Mêhicô, phong lan Dendrobium, Phalaenopsis, Cattleya,  hồng môn, Salem, cẩm chướng, đồng tiền, Đại nham đồng, ngàn sao Gifsophilla, Begonia, Cala lily, St Paulia, cây xảJava, xả Hoa hồng, trinh nữ hoàng cung, sâm Ngọc linh, Gừng, cỏ vetiver, lô hội Aloe vera.

– Viện đã xây dựng quy trình công nghệ nền và triển khai ứng dụng sản xuất giống khoai tây bằng củ bi và đã cung cấp gần 400.000 củ bi giống cho vùng sản xuất Đà Lạt, đã cung cấp cho thị trường một số lượng lớn cây giống như hoa phong lan, hoa đồng tiền, cây gong, cây hông, cây gỗ nghiến, cây xoan chịu hạn, một số giống tre…

– Viện cũng đã ký hợp đồng trang bị một số phòng thí nghiệm theo dạng chìa khoá trao tay và chuyển giao công nghệ nhân giống in vitro một số giống cây cho các sở KH&CN các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau.