Hướng công nghệ sinh học động vật
– Viện đã chủ trì các đề tài nghiên cứu về sử dụng tế bào côn trùng SF9 để nuôi cấy virus gây bệnh tôm nhằm tạo ra kit xác định bệnh tôm và sản xuất chế phẩm tăng tính kháng bệnh tôm, giúp giữ cân bằng điều kiện nuôi trồng thủy hải sản.
– Trong lĩnh vực công nghệ phôi động vật, Viện đã thực hiện thu thập và bảo quản lạnh mẫu tế bào của một số động vật hoang dã quý hiếm: Mảnh da (ví dụ mảnh da tai) của động vật hoang dã đang được nuôi tại các cơ sở chức năng (thảo cầm viên, …) hoặc phát hiện vừa mới bị giết chết được thu giữ, rửa sạch trong nước muối sinh lý có kháng sinh, bảo quản trong nhiệt độ lạnh 4oC, nhanh chóng đưa về phòng thí nghiệm xử lý và đông lạnh, bảo quản ở -196oC và tiến hành nhân nuôi tế bào để thực hiện nhân bản (clonning) khi có điều kiện.
– Viện sinh học Nhiệt đới cũng đã phối hợp cùng Viện Công nghệ Sinh học Hà Nội tiến hành cấy hợp tử bò cao sản TTÔN cho bò lai Sind Việt Nam bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm cho phép tạo ra hàng loạt phôi bò cùng lúc, các phôi này được tiến hành xác định giới tính bằng kỹ thuật PCR, những phôi xác định là cái thì được nuôi tiếp đến 7 ngày tuổi và cấy vào tử cung của bò cái nhận phôi (bò lai Sind, là loại bò rất phổ biến ở nước ta) đã được xử lý động dục đồng pha và có đủ các điều kiện nhận phôi.
– Hiện nay công nghệ cấy truyền phôi bò đang được triển khai ứng dụng tại một số xí nghiệp chăn nuôi bò sữa như Long Thành, Củ Chi và trong các trang trại tư nhân, hộ gia đình… Ngoài ra, Viện cũng tiến hành nghiên cứu quy trình sử dụng hócmôn kích thích động dục đối với bò nhằm giảm khoảng cách hai lứa đẻ, chữa bệnh vô sinh ở bò…
– Trong hướng nghiên cứu về đấu tranh sinh học, Viện đã tạo và duy trì giống ong mắt đỏ, ong vàng, sâu keo da láng, sâu xanh, một số loài nhện bắt mồi, nghiên cứu các thông số kỹ thuật trong sản xuất hàng loạt và sử dụng các loại thiên địch này trong phòng trừ sâu hại, thu thập thêm một số thiên địch ngoài tự nhiên để lai tạo và cải tiến khả năng diệt sâu cũng như tránh tình trạng thoái hoá giống.