Hội thảo toàn quốc về mối liên hệ giữa rừng ngập mặn và nguồn lợi nghêu
Hội thảo được tổ chức vào ngày 18/11/2014 tại Nhà khách Quốc Hội dưới sự chủ trì của: PGS.TS. Bùi Văn Lai (Viện Sinh học nhiệt đới – ITB) và TS. Andrew Wyatt (IUCN).
Nghề nuôi và khai thác nghêu ở các bãi bồi ven biển là nguồn sinh kế quan trọng đối với cộng đồng dân cư ven biển ở Việt Nam. Trong những năm gần đây có nhiều hợp tác xã nuôi nghêu được hình thành, nguồn tài nguyên này trở thành một ngành sản xuất kinh doanh đem lại lợi nhuận cao.
Các nghiên cứu của Viện Sinh học Nhiệt đới cho thấy, năng suất nghêu nuôi (kg/m2) không chỉ phụ thuộc vào cao trình bãi và tỷ lệ cát mà còn phụ thuộc vào hàm lượng chất dinh dưỡng tại bãi. Tất cả các yếu tố này được cung cấp bởi rừng ngập mặn thông qua ba chức năng: (1) Tham gia vào việc phân phối dòng chảy lòng dẫn và dòng chảy tràn, giảm thiểu sự bào mòn, xói lở bãi triều; (2) Chuyển hóa vật chất hữu cơ thành thức ăn “tươi sống” cho nghêu sò; (3) Giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ từ sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp.
Có thể nói, rừng ngập mặn đóng vai trò hết sức quan trọng cho nghề nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi nghêu. Do vậy việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn được xem là giải pháp thiết yếu nhằm bảo tồn và phát triển nguồn lợi nghêu, giúp người dân duy trì sinh kế bền vững. Nói cách khác, giữa bên hưởng lợi và bên cung cấp môi trường cần có sự bù đắp thông qua một cơ chế kinh tế nhằm tạo ngân sách trong việc đầu tư và phục hồi, duy trì bền vững các giá trị hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Tuy nhiên để cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng hoạt động hiệu quả, cần có các nghiên cứu làm rõ mối quan hệ, cũng như tính toán cụ thể các lợi ích, chức năng của rừng đối với nguồn lợi nghêu. Đó cũng chính là lý do mà IUCN/MFF cùng với Viện Sinh học Nhiệt đới (ITB) tổ chức “Hội thảo toàn quốc về mối liên hệ giữa rừng ngập mặn và nguồn lợi nghêu”.
Hội thảo đã tiếp đón hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý đại diện cho hơn 60 cơ quan, tổ chức bao gồm: các Viện nghiên cứu; các Trường đại học; các Sở; Phòng – Ban; các Vườn quốc gia; các Hợp tác xã nuôi nghêu đến từ các tỉnh trong cả nước; các tổ chức trong và ngoài nước; các cơ quan truyền thông báo chí, đài truyền hình tại TP. HCM. Hội thảo cũng đã nhận được hơn 20 bài báo được tập hợp trong tuyển tập hội thảo. Trong đó có 12 báo cáo trình bày tại phiên toàn thể của các tác giả đến từ Viện Sinh học Nhiệt đới, IUCN, Đại học Nông lâm TP.HCM, Đại học Cần Thơ, Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện Nuôi trồng thuỷ sản 2 và Viện Hải dương học Nha Trang.
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp và đạt được các mục tiêu đề ra như: (1) Đánh giá được các minh chứng khoa học về mối quan hệ giữa rừng ngập mặn và nguồn lợi nghêu. (2) Thảo luận và trao đổi ý kiến giữa các nhà nghiên cứu, nhà quản lý với đại diện các sở ban ngành, các hợp tác xã nuôi và khai thác nghêu. (3) Hội thảo đã góp phần xây dựng luận chứng khoa học làm cơ sở cho phương thức chi trả của người khai thác, nuôi trồng nghêu cho việc chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn.
Một số hình ảnh của Hội thảo
Thư ký hội thảo giới thiệu đoàn chủ tịch PGS.TS Hoàng Nghĩa Sơn phát biểu khai mạc hội thảo
TS. Andrew Wyatt trình bày bài mở đầu hội thảo PGS.TS Bùi Lai trình bày tại hội thảo
Cơ quan truyền thông ghi hình hội thảo PGS.TS Bùi Văn Lai tổng kết hội thảo
Chụp hình lưu niệm hội thảo
Tin bài: Phòng Sinh Thái
Các bài viết liên quan:
- Hội thảo gợi ý phương pháp viết bài báo khoa học và gửi đăng trên tạp chí khoa học Quốc tế
- Hội nghị khoa học Công nghệ sinh học toàn quốc 2013
- Hội nghị khoa học toàn quốc về Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ V
- Thông báo Hội nghị CNSH Toàn quốc 2021
- Khóa học thực nghiệm sinh học phân tử Đại học TSUKUBA 01- 2013
- Thông báo v/v tổ chức Hội nghị Khoa học Viện Sinh học nhiệt đới năm 2015
- Hội nghị Nấm học: Nghiên cứu và Ứng dụng tại khu vực phía Nam năm 2014
- THÔNG BÁO V/v bảo vệ luận án tiến sĩ cấp cơ sở chuyên ngành Sinh thái học